GS. Nguyễn Văn Thành- Lausane- Thụy Sĩ
Đây là bài giảng mà Giáo sư Nguyễn Văn Thành đã cung cấp cho các giáo viên và phụ huynh của trẻ thiểu năng nhân chuyến công tác tại Việt Nam vào khoảng thời gian 1998-1999. Chúng tôi (lúc đó đang làm việc tại cơ sở NT2) cùng các phụ huynh đã may mắn lĩnh hội được bài giảng này. Nay xin đăng tải để quý bạn đọc cùng tìm hiểu và cũng để tưởng nhớ lại sự giúp đỡ của Thầy Thành đối với chúng tôi vào thời gian ấy. Bài giảng gốc là bản viết tay của Thầy, chúng tôi đánh máy và trình bày lại.
1. Ngôn ngữ không phải là mục đích tối hậu. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ để trao đổi, truyền đạt, thông cảm, diễn tả, trình bày.
2. Trước khi biết sử dụng ngôn ngữ, chúng ta phải thông hiểu ý nghĩa. Cho nên trước khi tập trẻ em nói, chúng ta phải lưu tâm phát triển hai khả năng hiểu biết và thông đạt của trẻ.
3. Khả năng sử dụng ngôn ngữ là tổ chức, xếp đặt những từ ngữ theo những thứ tự được qui định rõ ràng. Một khi đã sử dụng nhuần nhuyễn qui luật ấy, chúng ta sẽ có khả năng diễn đạt ý tưởng. Cũng nhờ đó chúng ta có thể ghi nhớ hoặc suy tư.
4. Khi dùng ngôn ngữ để diễn đạt và tiếp xúc với người khác. Chúng ta phải học lắng nghe và chờ đợi “phiên của mình” để phát biểu.
5. Ngôn ngữ là phương tiện diễn đạt tình cảm cũng như bao nhiêu nỗi niềm tâm sự. Diễn đạt như vậy, chúng ta giải tỏa một phần nào tâm hồn hoặc nội tâm của mình; và tránh được một số hoàn cảnh đau buồn khổ hạnh.
6. Để người khác có thể hiểu mình, chúng ta phải sử dụng ngôn ngữ. Chờ người khác bói đoán tâm tư và ý thích của mình là một hành động nguy hiểm, dễ gây ra những hiểu lầm. Chúng ta cũng đừng phỏng đoán tư tưởng và ước muốn của trẻ em. Trái lại, hãy yêu cầu trẻ em diễn đạt theo mức độ và khả năng hiện hành của chúng nó.
7. Để có thể sử dụng ngôn ngữ một cách thoải mái, hồn nhiên, chính xác, tinh thông, chúng ta phải không ngừng học tập. Mỗi ngành nghề đều có một số chuyên từ đặc biệt. Ngôn ngữ tiến bộ không ngừng theo đà thăng tiến của con người và xã hội.
Cơ bản của ngôn ngữ
Cơ bản của ngôn ngữ bao gồm những khả năng sau đây:
1. Khả năng tạo phát âm thanh và cung điệu.
2. Khả năng ghi nhận và lắng nghe, xác định vị trí xuất phát của âm thanh và phân biệt, lựa chọn âm thanh thích ứng.
3. Khả năng bắt chước: ghi nhận và tái tạo hành động cũng như âm thanh của người khác.
4. Khả năng tưởng tượng: tạo nên những hình ảnh, hình dung những đồ vật không có mặt, hay giả vờ làm một cái gì như thật.
5. Khả năng nhận biết (nhớ ra) những đồ vật hoặc những người quen biết trong một hoàn cảnh mới lạ, hay khả năng đi tìm lại những đồ vật đã biến mất hoặc được cất giấu.
Điều kiện thiết yếu để phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ em
1. Tạo bầu khí vui tươi, thoải mái, tránh tối đa những căng thẳng hoặc những cố gắng thái quá của trẻ em.
2. Tuyệt đối chủ động và nắm rõ tình hình. Khi trẻ em bắt đầu có thái độ lơ đãng, bất hợp tác hay là thực thi một điều gì khác, lập tức dừng hoạt động, thu hồi học cụ hoặc làm một việc khác ở nơi khác
3. Lưu tâm và ý thức về ngôn ngữ được chính chúng ta sử dụng: Đừng nói huyên thuyên bất tuyệt. Đừng đặt quá nhiều câu hỏi. Đừng sử dụng ngôn ngữ phức tạp, nhiều loại ngôn ngữ “rau muống”. Giải thích một cách cụ thể, bằng hành động. Dùng động tác nhiều hơn ngôn ngữ.
4. Thay vì quá kéo dài thời giờ dạy học, chúng ta tổ chức một cách đầy đặn những buổi học ngắn gọn: Tùy mục tiêu chúng ta thay đổi nội dung. Nhưng thể thức trao đổi, cách đứng lớp, lề lối hoạt động, cách đặt câu hỏi vẫn luôn luôn tôn trọng cơ cấu thường hằng để trẻ em phát huy khả năng tiếp thu và từ từ nội nhập những qui tắc văn phạm, ngữ pháp.
5. Lợi dụng mỗi cơ hội thuận lợi, nhất là những lúc trẻ em có phong độ hợp tác, hiếu kỳ, để trao đổi và vui đùa với trẻ trong địa hạt ngôn ngữ.
6. Đừng quá ôm đồm trong lề lối hành động. Mỗi lần trao đổi tiếp xúc, chúng ta chỉ nhắm một mục tiêu cụ thể rõ rệt. Đừng khởi đầu một kỹ năng mới trước khi trẻ em tỏ ra có khả năng sử dụng nhuần nhuyễn một kỹ năng các em đang học tập
7. Mỗi lần đề cập mỗi kỹ năng mới, chúng ta chỉ đề nghị một bước tiến rất nhỏ thay vì áp đặt một nội dung quá khó và phức tạp.
8. Kiên trì, đừng bao giờ bỏ cuộc một cách quá vội vàng, nhanh chóng. Tiếp tục khi trẻ còn vụng về, chưa nhuần nhuyễn mọi chi tiết. Tiếp tục thực tập cho đều giai đoạn nhuần nhuyễn, khi trẻ en đã tỏ ra am tường mọi khía cạnh của kỹ năng đang được tập luyện
9. Đánh giá và đánh dấu mỗi bước tiến mà trẻ đã thành đạt, ghi chú kỹ lưỡng về thời gian để chúng ta có một hình ảnh rõ rệt về tiến trình học tập của trẻ em, từ lúc khởi đầu đến giai đoạn hiện tại.
10. Sáng tạo và thích nghi thường xuyên tùy hoàn cảnh, tùy môi trường cụ thể.
Phần I .- Giai đoạn chuẩn bị ngôn ngữ
1. Tạo phát âm thanh.
2. Lắng nghe để nhận biết những âm thanh khác nhau, xác định vị trí và nguồn gốc phát ra âm thanh.
3. Bắt chước, sao lại những điều người khác làm.
4. Nhận biết người và vật quen thuộc.
5. Hành động, giả vờ, làm bộ, sáng tạo và tổ chức những trò chơi tưởng tượng.
6. Trao đổi, diễn tả những điều ước hay là tìm hiểu ý thích của người khác.
Tạo phát âm thanh
Cơ quan tạo phát âm thanh không phải chỉ là miệng, cổ họng và các cơ quan phụ thuộc như tai, mắt… mà là toàn bộ cơ thể, trong đó có não bộ đóng vai trò chủ động. Một cơ quan cục bộ như cơ quan phát âm chỉ hoạt động chừng nào toàn bộ cơ thể đạt tới mức độ hoạt động cơ bản.
“Tiểu thân” chỉ hoạt động chừng nào toàn thân hoạt động.
Để tạo điều kiện phát âm, chúng ta phải lưu tâm đặc biệt đến mức độ hoạt năng của trẻ em: vui đùa, chạy nhảy, hiếu kỳ, tiếp xúc, vận động. Chính vì lý do đó, trước khi tổ chức những trò chơi tạo phát âm thanh, chúng ta cần quan sát kỹ lưỡng: chỗ nào, lúc nào trẻ em có tác phong ồn ào, náo nhiệt nhất?
Chẳng hạn khi tắm gội, trẻ em thường ca hát! Lúc vui đùa, một số đồ chơi được trẻ em yêu chuộng một cách đặc biệt. Đó là những điều kiện thuận lợi để trẻ em ngoại hiện và diễn tả khả năng tạo phát âm thanh của mình. Chúng ta cần lợi dụng cơ hội và đồ chơi như vậy.
Sau đây là một số trò chơi khả dĩ giúp trẻ em phát âm:
1. Cây đèn thần diệu, chú hề nhấp nháy hay kêu la inh ỏi khi có người bóp mạnh. Cứ mỗi lần trẻ em phát âm, chúng ta tức khắc bật mở cây đèn hay là bóp mạnh chú kề, để phát ra một tiếng kêu.
Sau một hồi liên kết hai sự kiện với nhau như vậy, chúng ta bắt đầu chủ động: bật mở ánh đèn hay là chú hề kêu la; và chúng ta đợi chờ phản ứng của trẻ.
Chúng ta chỉ sử dụng trò chơi này vào giờ tạo phát âm thanh. Những lúc khác, trẻ không thể sử dụng loại trò chơi này, để tránh hiện tượng quen nhàm.
2. Khi trẻ bắt đầu bập bẹ: “mờ mờ, bờ bờ, tờ tờ…” chúng ta bắt chước trẻ, vui đùa với chúng và dần dần chuyển qua những âm thanh quen dùng, có mặt trong ngôn ngữ và có ý nghĩa.
Lúc ban đầu chúng ta chỉ lặp lại và thay đổi cung điệu trầm bổng.
Ví dụ:
mờ mờ mờ à ma ma ma
Bờ bờ bờ à ba ba ba
Gờ gờ à con gà
3. Trò chơi hang chuột
Trong một tấm bình phong bằng gỗ hay bằng giấy bìa cứng, chắc chắn, chúng ta đục khoét một lỗ trống, để có thể đẩy qua, kéo lại một đồ vật.
Giai đoạn một: Xuyên qua lỗ trông chúng ta đẩy về phía trẻ em một đồ chơi mà nó ham thích. Sau đó chúng ta dùng một sợi giây kéo đồ chơi trở về chúng ta. Cứ lập đi lập lại như vậy một hai ba lần và dừng lại quan sát trẻ em, cho đến khi nó cầm đồ chơi và trả về cho ta, xuyên qua lỗ trống. Chúng ta cùng chơi với trẻ em: đẩy qua nhận lại nhiều lần.
Giai đoạn hai: Mỗi lần trẻ em phát âm chúng ta đưa qua cho nó đồ chơi. Tiếp đó chúng ta gọi trẻ em và xin nó trả về. Nhận đồ chơi, chúng ta đợi cho đến khi trẻ em phát âm gọi ta, để đưa qua đồ chơi cho nó.
Giai đoạn ba: Sau khi trẻ em đã nói được một số từ có ý nghĩa như má, bé … chúng ta đưa qua cho nó đồ chơi, mỗi lần chúng nó phát ra âm thanh một cách đứng đắn.
4. Thực tập những cử động cơ bản như:
- Liếm môi,
- Le lưỡi ra trước, về phía trái, mặt
- Giả bộ ăn kem: liếm lên, liếm xuống
- Ngậm miệng lại
- Mở miệng ra
- Bắt chước: bà ngoại nhai trầu
- Tập nhai kẹo cao su
- Tập thổi: thổi bong bóng và phát ra âm “phờ”
- Tập hút ống rơm để uống nước
- Dùng miệng để ngậm giữ một đồ chơi và đem qua một vị trí khác. Có thể tổ chức cuộc đua nhanh chậm với hai em
5. Bắt chước tiếng kêu của các loài vật và đồ vật:
Tiếng chó: gâu gâu
Tiếng mèo: mi-ao, meo
Tiếng bò: u-um bò
Ong kêu: xờ xờ
Xe ô tô chạy: zi-i-i
Bắp nổ: bốp, bốp
Xe lửa: xình xịch
Tiếng rắn: xừ xừ
Sư tử: gầm gừ
Sáo hót: huýt huýt
Tiếng khóc: oa oa
Chuột kêu: chít chít (chiu chít)
Giai đoạn một: Xem hình bắt chước. Chúng ta đưa cho trẻ em xem hình con mèo và chúng ta phát âm: mèo. Sau khi làm nhiều lần, đưa tấm hình mèo lại gần từng em, dừng một lúc và quan sát chờ đợi. Nếu trẻ em không có phản ứng, chúng ta phát âm “mèo” và qua trẻ em khác. Nếu trẻ em có một cử động, chúng ta hoan hô tán dương. Sau khi mỗi em đã có thể phát âm. Chúng ta qua một tấm hình khác.
Giai đoạn hai: Lần này chúng ta chỉ đưa ra tấm hình, không phát âm, chờ xem phản ứng của từng em
6. Phát âm trầm bổng, thực tập âm điệu sử dụng một số bài hát đơn sơ.
Lắng nghe: xác định vị trí, phân biệt
Hành động lắng nghe có nhiều chức năng khác nhau trong địa hạt ngôn ngữ:
- Phát hiện vị trí, nguồn gốc phát âm
- Nhận ra người phát âm là cha, mẹ
- Phân biệt hai loại âm thanh
- Chọn lựa âm thanh thích ứng
Cho nên khả năng lắng nghe cần được chúng ta lưu tâm đặc biệt.
Vấn đề nghe của trẻ em khuyết tật rất phức tạp:
- Có ngày chúng nó nghe một cách bình thường, ngày khác chúng có những khó khăn đặc biệt
- Khả năng của chúng cũng còn tùy thuộc vị trí phát âm. Khi chúng ta lại gần, chúng nó có thể ghi nhận một cách dễ dàng. Nhưng khi chúng ta ở đằng sau hay là ở hai bên cạnh, phản ứng của chúng nó có thể giống như một trẻ em khiếm thính.
- Trong những trường hợp như vậy, chúng ta cần ý kiến của bác sĩ chuyên môn
1. Phân biệt các loại âm thanh
Dùng những hộp bia hay là hộp giấy. Cùng với trẻ em, sáng tạo những dụng cụ phát âm, bằng cách bỏ vào hộp nhiều nội dung khác nhau: gạo, sỏi, cát, hạt đậu xanh… đậu ván.
Mỗi thứ nội dung, sử dụng hai hộp với liều lượng giống nhau.
Lúc đầu, trẻ em tha hồ chơi tùy nghi: ném xa…
Sau đó chúng ta yêu cầu trẻ em tìm ra hai loại âm thanh giống nhau: cát ở đâu? gạo ở đâu? sỏi ở đâu?
Hình thức bên ngoài phải thay đổi, để trẻ em đừng dùng cách phân biệt bằng hình ảnh.
2. Trò chơi xác nhận và phân biệt những âm thanh khác nhau:
Chúng ta sử dụng nhiều đồ chơi phát âm như còi, tu huýt, chuông…
Giai đoạn một: Để cho trẻ em tự mình khai phá và vui nhộn tùy ý của mỗi em
Gia đoạn hai: Dùng mỗi loại 2 đơn vị. Chúng ta phát âm với một đồ chơi và yêu cầu trẻ em cũng dùng một đồ chơi giống chúng ta.
Giai đoạn ba: Trẻ em chỉ nghe và không thấy dụng cụ. Yêu cầu trẻ em tìm dụng cụ được sử dụng
Giai đoạn bốn: Chỉ gọi tên dụng cụ hay đưa ra một tấm hình. Yêu cầu trẻ em đi tìm dụng cụ.
Giai đoạn năm: Em thích dụng cụ nào? Chỉ hay là gọi tên. Ban đầu chỉ thẳng dụng cụ. sau đó, chỉ hình ảnh. Cần giúp trẻ em làm đúng cử điệu “chỉ” bằng ngón tay trỏ.
Giai đoạn sáu: dụng cụ được gói ghém trong một bao túi bằng lụa mỏng. Yêu cầu trẻ em khám phá bằng tay nhận ra nội dung, bằng cách gọi tên hay là đưa tay chỉ dụng cụ tương tự.
3. Trò chơi bịt mắt tìm người:
Nếu trẻ em không quá rụt rè lo sợ, chúng ta bịt mắt trẻ em. Cách trẻ em vài ba bước, trước, sau, bên phải hoặc bên trái, chúng ta phát ra một âm thanh làm tín hiệu và yêu cầu trẻ em định hướng tìm đến nguồn phát âm.
4. Phân biệt nhanh-chậm, mạnh-yếu, lớn-nhỏ:
Kết hợp một tiếng trống với một con vật và yêu cầu trẻ em khi nghe một tiếng trống, giả vờ làm con vật tương đương đã được ấn định. Chúng ta thay đổi tiếng trống, để trẻ em linh động thay đổi thể thức đi đứng chạy nhảy. Nếu lớp học có hai giáo viên, một giáo viên gõ trống và giáo viên thứ hai trình bày cách làm
Đối với trẻ em có mức độ yếu, chúng ta chỉ sử dụng 2 tiêu chuẩn nhanh-chậm và yêu cầu trẻ em tôn trọng chỉ thị:
Chậm: bước đi
Nhanh: chạy
Đối với trẻ em có mức độ cao; kết hợp 4 tiêu chuẩn:
Mạnh: bắt chước bước chân con voi, đập mạnh bàn chân xuống đất
Yếu: đi trân đầu ngón chân
Chậm: đi
Nhanh: chạy
5. Ghi âm những tiếng động quen thuộc như:
Tiếng chuông, tiếng chó sủa, tiếng quạ kêu, tiếng bò rống… Xếp đặt trước mặt trẻ em bốn hình ảnh: chuông, chó, quạ, bò… Mở máy ghi âm và yêu cầu trẻ em lựa chọn một hình ảnh thích ứng.
Bắt chước
Không bắt chước không thể học tập
1. Mỗi lần thực tập một giai đoạn nhỏ, trong bảy giai đoạn sau:
1.1 Bắt chước chính mình: Tình cờ trẻ em làm một động tác có khả năng tạo ra âm thanh, tiếng động. Ví dụ: rung chuông, vổ trống. Chúng ta cổ võ khuyến khích tác động ấy bằng cách xếp đặt sẵn sát cạnh trẻ em những dụng cụ có màu sắc sặc sở để trẻ em lặp lại nhiều lần động tác của mình.
1.2 Chúng ta bắt chước trẻ em: Trẻ em đánh trống vỗ tay, chúng ta tức khắc làm theo trẻ em.
1.3 Chúng ta chủ động khởi đầu một cử điệu quen thuộc: chúng ta đã quan sát và biết rõ trẻ em tự mình làm được một động tác như đánh trống, gỏ mỏ, vỗ tay. Chúng ta làm động tác ấy. Trẻ làm theo ta; nếu chúng nó không biết làm theo là chúng nó không biết bắt chước.
1.4 Trẻ em bắt chước những điều mới và đơn sơ như: chắp tay chào, đưa tay lên đầu, lên vai, sờ lỗ mũi, che mắt.
1.5 Yêu cầu trẻ em nhìn kỹ mặt chúng ta và bắt chước chúng ta: Hãy làm theo cô: ngậm miệng, mở miệng, le lưỡi, liếm môi, méo miệng.
1.6 Tình cơ trẻ em tạo phát một âm thanh (khác cử điệu), chúng ta làm theo.
1.7 Trẻ em bắt chước chúng ta: Ví dụ chúng ta ho. Nếu trẻ em đã bắt chước dễ dàng những điệu bộ và gặp khó khăn trong vấn đề bắt chước phát âm, chúng ta cần đem trẻ em đi khám nghiệm nơi bác sĩ chuyên về tai mũi họng.
2. Tổ chức những trò chơi bắt chước:
Trong một nhóm trẻ, một em làm một cử điệu hay phát ra một âm thanh, những trẻ em khác làm lại y hệt.
3. Sử dụng một số đồ chơi thông thường:
Trình bày cách dùng.
Ban đầu cầm tay hướng dẫn trực tiếp. Sau đó sử dụng một đồ chơi giống như đồ chơi của trẻ em. Chúng ta chơi bên cạnh trẻ em, để nó nhìn và bắt chước.
4. Bắt chước những điệu bộ hằng ngày:
Quét nhà, lau chùi bàn ghế
5. Sử dụng một tấm gương lớn trong lớp học để trẻ em quan sát chính mình.
Tìm hiểu môi trường
Trong vấn đề phát huy khả năng ngôn ngữ, tiến trình tự nhiên bao gồm 2 giai đoạn chính yếu:
Thứ nhất là hiểu biết về chính mình, về người và các đồ vật chung quanh cũng như những biến cố đang xảy ra trong đời sống.
Thứ hai là diễn đạt, phát biểu để trình bày ý tưởng, nguyện vọng của mình cho người khác biết.
Hiểu biết có nhiều ý nghĩa khác nhau
Ý nghĩa 1: Hiểu biết một sự vật là nhận biết sự vật ấy dùng để làm gì? chức năng của nó? thể thức sử dụng?
Ý nghĩa 2: Một người cũng như một sự vật có thể thay đổi hình dạng tùy lúc và tùy vị trí. Mặc dù những thay đổi bên ngoài như thế, chức năng và bản chất vẫn nguyên vẹn, thường hằng, bất biến. Ví dụ: bà mẹ có thể đội nón, choàng khăn, để tóc dài, cắt tóc ngắn nhưng bà mẹ vẫn luôn luôn là bà mẹ, không thay đổi bản chất, chức năng và những quan hệ đối với đứa con.
Ý nghĩa 3: Khác với cây cỏ, vật và người có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác, cất giấu nhiều nơi khác nhau, khi ẩn khi hiện tùy trường hợp, một đồ vật không được thấy vẫn có mặt ở đâu đó. Tính chất trường tồn của sự vật là bài học thiết yếu. Bao lâu trẻ em chưa thấu triệt vấn đề này, nò còn mang trong mình những tình cảm phân vân lo ngại, sợ sệt thiếu an toàn nội tâm. Vấn đề phân vân lo hãi, bất ổn nội tâm, một phần lớn xuất phát từ tình trạng thiếu hiểu biết về mình, về người và về sự vật. Chính vì lý do này, chúng ta cần tạo điều kiện để trẻ em có những kiến thức rõ ràng, chắc chắc về cuộc sống.
1. Trò chơi “hú tìm”:
Chúng ta núp ở sau một tấm màn và gọi trẻ em đi tìm chúng ta. Chúng ta che giấu một vật ở nhiều nơi khác nhau và bảo trẻ em đi tìm. Mục tiêu: giúp trẻ hiểu biết là sự vật mặc dù không còn thấy vẫn có mặt ở một nơi nào đó.
2. Trò chơi cất giấu: có nhiều giai đoạn:
Giai đoạn một: Giấu một đồ vật mà trẻ em yêu chuộng nhất. Lúc ban đầu, chúng ta làm những cử điệu che giấu trước mặt trẻ em. Chúng ta yêu cầu chúng nhìn một cách chăm chú. Sau khi chúng ta đã che giấu bảo chúng nó đi tìm.
Giai đoạn hai: Đặt để hai cái hộp trước mặt trẻ em. Chúng ta giả vờ che giấu trong một hộp, nhưng thực ra chúng ta che giấu ở hộp thứ hai. Nếu trẻ có khả năng tìm kiếm, chúng ta có thể sử dụng nhiều hộp.
Giai đoạn ba: Trước mặt trẻ em có rất nhiều tấm khăn ở nhiều chổ khác nhau. Chúng ta che giấu một đồ vật dưới một tấm khăn. Khi che giấu chúng ta dùng một tấm màn che, để trẻ em không thấy được cử động của chúng ta. Sau khi hoàn tất, chúng ta kéo màn ra và bảo trẻ đi tìm vật được che giấu.
3. Trò chơi xác định vị trí:
Dùng 2 hoặc 3 đồ chơi hoặc đồ dùng thông thường của trẻ em như: một trái banh, một con búp bê, một cuốn sách hình… Chúng ta làm những cữ động trước mắt trẻ em: che giấu ba đồ chơi ở ba góc phòng khác nhau và yêu cầu trẻ em chăm chú nhìn chúng ta.
Sau khi che giấu xong, chúng ta trở về chổ cũ và yêu cầu trẻ em đi tìm những đồ vật.
Em A: hãy đi tìm trái banh cho cô! Nó ở đâu? Cô đã giấu nó chỗ nào?
4. Phỏng đoán: (khả năng dự phòng tiên đoán)
Xe chạy vào đường hầm. Bây giờ xe sẽ chạy ra ở đâu?
5. “Rút dây động rừng” (quan hệ nhân quả):
Rút dây và thằng hề múa rối
Bấm nút đỏ và đèn đỏ bật sáng
Bấm nút vàng và đèn vàng sáng
Bắm nút xanh và đèn xanh sáng
Kéo xe ô tô bằng một sợi dây
Trò chơi câu cá: cá là những đồ chơi
Mục tiêu: sử dụng một trung gian (kéo sợi dây) để dạt được một kết quả (để kéo lại gần một đồ chơi).
Hình dung và tưởng tượng
Hình dung và tưởng tượng là khả năng tạo thành những hình ảnh về một người hay một sự vật khi người ấy hay sự vật ấy hiện tại không có mặt trước mắt chúng ta. Ảnh tượng có thể xuất phát từ một địa hạt thuộc thị giác: hình ảnh; thuộc thính giác: âm thanh; hay là thuộc xúc giác ngoại thân hoặc nội thân như cảm giác nóng lạnh, mạnh yếu, nặng nhẹ, vui buồn, khoái cảm, khó chịu, nôn oẹ.
Thông thường khi dùng một từ ngữ như “ly nước”, chúng ta lập tức hình dung một ly nước cụ thể mà chúng ta đã có kinh nghiệm tiếp xúc trực tiếp trong cuộc sống. Thiếu khả năng này, chúng ta không có khả năng ngôn ngữ. Khả năng này bao gồm hai khả năng phụ thuộc:
- Phân biệt hình ảnh và sự vật.
- Khám phá tương quan ràng buộc hình ảnh với sự vật. Hình ảnh biểu hiện hay đại diện sự vật.
1. Thể thức sử dụng hình ảnh:
Để giúp trẻ phát huy khả năng hình dung và tưởng tượng, chúng ta thực hiện từng bước tiến sau đây:
Bước một: khởi sự với những đồ vật thân thuộc với trẻ em. Chúng nó đã hiểu và biết cách sử dụng từng đồ vật: trái banh để chơi, cái ly để uống nước.
Bước hai: sử dụng những hình ảnh y hệt, đồng hoá hoàn toàn với sự vật về màu sắc kích thước và hình thức.
Bước ba: mỗi hình ảnh chỉ trình bày một sự vật.
Bước bốn: sau khi trẻ em có thể nhận ra những hình ảnh đồng dạng bằng cách đặt để sự vật trên hình ảnh, chúng ta bắt đầu sử dụng những loại hình ảnh tương tự.
Bước năm: chúng ta sử dụng những hình ảnh sơ phát, chấm phá và nới rộng cách sử dụng những đồ dùng ít quen thuộc.
2. Khám phá hình ảnh:
Bắt đầu với những vật dụng quen thuộc. Số lượng phải được hạn định từ 2-3 mà thôi. Ví dụ: cái ly, cái bút, quyển tập.
Giai đoạn đầu cần thiết đối với một số trẻ em, chúng ta phải trắc nghiệm khả năng hiểu biết của chúng về cái ly, cây bút, quyển tập trên bình diện ngôn ngữ, gọi tên, chức năng.
Giai đoạn một: chúng ta dùng hai cái hộp lớn có nắp đậy và để ba vật dụng vào trong hộp. Bên ngoài chúng ta để sẵn ba tấm hình của ba vật dụng. Hỏi hoặc yêu cầu trẻ em: “tìm cái ly cho cô!”.
Giai đoạn hai: chúng ta tăng dần số lượng từ 3-6.
Giai đoạn ba: sử dụng những vật dụng ít quen thuộc
Giai đoạn bốn: thay đổi kích thước, hình thức của các hình ảnh
Mục tiêu của trò chơi: khả năng hiểu biết về chức năng của hình ảnh. Hình ảnh ở ngoài có nghĩa là ở trong hộp có một vật dụng thực sự cùng tên gọi và hình thức như vậy.
3. Cất giấu những vật dụng chung quanh lớp học:
Bảo trẻ em đi quanh phòng tìm vật dụng. Cũng như trong các trò chơi trước đây, chúng ta bày sẵn những hình ảnh các vật dụng ở gần, trên vị trí cất giấu. Thay đổi thường xuyên vị trí để trẻ em đừng kết hợp một cách máy móc, một vật dụng với một vị trí nhất định.
4. Đi tìm một vật dụng tương ứng với hình ảnh:
Đặt một số vật dụng quen thuộc sát cạnh nhau trên một chiếc bàn hay trên một tờ giấy lớn. Cho trẻ em xem một tấm hình và bảo đi lấy vật dụng ấy trên bàn. Nếu trẻ em không hiểu phải làm gì, chúng ta cầm tay đem nó lại gần bàn và chỉ cho nó biết vật dụng tương ứng, bảo nó so sánh vật dụng và hình ảnh. Ban đầu chỉ có hai ba vật tách rời nhau, dần dần gia tăng số lượng và đặt sát cạnh nhau. Sử dụng hình ảnh đồng dạng, tương tự và sơ phát
Trao đổi và tiếp xúc
Trước khi tiếp xúc bằng lời nói, trẻ em đã trao đổi bằng điệu bộ để diễn tả ý thích và tình cảm vui buồn …của nó. Dùng cử điệu giúp trẻ em khuyết tật. Dùng cử điệu là vấn đề trọng yếu trong các lớp học đặc biệt. Nếu chúng ta coi thường phương pháp này, công việc tiếp xúc giữa ta và trẻ em gặp nhiều khó khăn.
- Trẻ trở nên thụ động.
- Trẻ e dè không dám tiếp xúc.
- Trẻ chờ đợi nơi ta mọi quyết định.
Chính vì vậy, chúng ta cần ghi nhận những nhận xét cơ bản sau đây:
1. Trước khi tiếp xúc, trẻ phải MUỐN. Bao lâu chưa muốn, trẻ sẽ không tìm kiếm phương tiện diễn tả. Chúng ta nhất định không dự đoán những như cầu của chúng nó. Chờ đợi chúng nó phát biểu và diễn tả với phương tiện cụ thể của chúng nó. Đôi khi đặt câu hỏi: “Em muốn ăn nữa không” và có can đảm, đầy đủ nhẫn nại để đón chờ câu trả lời.
2. Hãy để cho trẻ em biết lựa chọn giữa hai hay nhiều điều khác nhau. Biết chọn lựa là đại lộ dẫn đến khả năng suy nghĩ, quyết định cuộc đời tự lập.
3. Những cử điệu được chúng ta sử dụng để trao đổi phải có tính chất đồng nhát, nghĩ là trước sau như một. Những người cùng làm việc phải nhất trí về một số cử điệu.
4. Hiểu biết những cử điệu chưa đủ, trẻ em phải học tập, bắt chước dùng một số cử điệu giống chúng ta như gật đầu, lắc đầu, vẫy tay, làm dấu lại gần…Ngoài ra chúng ta thực thi những cử điệu ấy một cách rỏ ràng, liên tục, đừng ngại làm hơi quá đáng một chút, để trẻ em dễ dàng hiểu biết và làm theo.
5. Mỗi lần dùng cử điệu, chúng ta đừng quên đồng thời dùng ngôn ngữ. trường hợp trẻ em đã biết sử dụng ngôn ngữ, chúng ta cổ võ cả hai loại phương tiện diễn đạt: lời nói và cử điệu. Trong thực tế, chúng ta đều dùng sử dụng hai lề lối diễn đạt ấy cùng một lúc. Nhưng với trẻ em chậm phát triển, chúng ta cần sử dụng một cách ý thức hơn, nhất là đồng ý cùng nhau một số cử điệu cơ bản thông thường:
chỉ tay: muốn
gật đầu: dạ, vâng
lại đây: vẫy tay về phía mình
ngồi xuống: hai tay hạ xuống cùng một lúc
ăn: chỉ tay vào miệng và nhai
uống: chỉ ngón tay cái vào miệng
5.1 Đưa tay chỉ một số đồ vật mong muốn:
Khi một trẻ em đưa tay lấy một đồ vật nó mong muốn, chúng ta dạy nó đưa tay chỉ đồ vật.
Bước một: để đồ vật ở xa ngoài tầm tay.
Bước hai: khi nó đưa tay ra hướng về đồ vật, chúng ta lập tức lấy đồ vật đưa cho nó.
Bước ba: dần dần chúng ta bảo nó đưa ngón ta trỏ chỉ vào đồ vật mong muốn.
5.2 Gật đầu đồng ý:
Cầm trong tay một đồ vật trẻ em rất quý chuộng, và hỏi nó: Em muốn không?. Chúng ta đứng trước mặt nó và gật đầu. Khi nó gật đầu, chúng ta đưa đồ vật cho nó. Khi có một người lớn khác, chúng ta nhờ người này đứng sau lưng trẻ em, ấn nhẹ bên đầu trẻ em để giúp nó làm động tác gật đầu.
5.3 Lắc đầu từ chối:
Lúc trẻ em không muốn một điều gì. Chúng ta dùng cơ hội để dạy cử điệu từ chối, không muốn. Đứng trước trẻ em, chúng ta vừa nói không thích vừa lắc đầu. Chúng ta có thể nhờ một người khác hướng dẫn trẻ em lắc đầu cùng một lượt với ta.
5.4 Sử dụng hình ảnh và cử điệu:
Sau khi trẻ em đã biết sử dụng ba cử điệu “vâng, không, chọn lựa”, chúng ta dùng hình ảnh để trao đổi với trẻ em. Chỉ cho trẻ em đồ chơi mà nó đã lựa chọn bằng cách sử dụng ngón tay trỏ. Trong ngày, mỗi khi trẻ em muốn ăn hay uống, hay là chọn một đồ chơi, chúng ta cũng bảo nó đưa ngón tay trỏ chỉ cho chúng ta biết ý muốn của nó. Chúng ta dùng hình ảnh để dạy trẻ em muốn mặc áo quần gì, màu gì phải chỉ quần áo ấy, màu ấy.
5.5 Nhìn mặt chúng ta để tìm hiểu tình cảm:
Đồng ý, vừa lòng = cười
Bất đồng = bộ mặt nghiêm nghị
Buồn = nhìn xuống
Giận = nhăn mặt
Phần II .- Khả năng đặc thù về ngôn ngữ
Hai khả năng cơ bản trong vấn đề sử dụng ngôn ngữ:
- Khả năng hiểu biết ý nghĩa của các từ.
- Khả năng thành lập những mệnh đề, những câu nói.
1. Danh từ - tên gọi
2. Động từ - động tác
3. Liên từ - vị trí trong không gian
4. Diễn đạt bằng 2 từ
5. Diễn đạt bằng nhiều từ.
Gọi tên các vật dụng (danh từ)
Hai mục tiêu:
- Giúp trẻ em gọi tên những đồ vật thông thường và quen thuộc.
- Giúp trẻ em sử dụng những danh từ mà chúng nó đã có khả năng phát âm.
Điều kiện học tập:
1. Bắt đầu bằng những đồ vật thông thường thân thuộc, có liên hệ trực tiếp đến vấn đề ăn uống, vui đùa của trẻ em.
2. Chọn lựa những từ dễ phát âm hoặc những từ có âm thanh tương tự với những âm điệu cung giọng đã được trẻ em sử dụng một cách bộc phát, tự nhiên trong những lúc vui đùa, trao đổi.
3. Một số vật dụng có thể có 2 hay nhiều tên gọi khác nhau: ví dụ cái bát hoặc cái chén, xe hơi hoặc xe ô tô… Trong những trường hợp như thế, chúng ta nên chọn lựa và nhất trí về một từ duy nhất, để tránh những lầm lẫn, lẫn lộn trong trí óc của trẻ em.
4. Để bắt đầu nên dùng những từ mà trẻ em đã phát âm và hiểu ý nghĩa.
5. Tùy cá tính và môi trường gia đình, mỗi em có những sở trường và sở đoản khác nhau. Cho nên chúng ta dung hoà, chế biến một cách uyển chuyển linh động, để bài học của chúng ta có thể thích ứng cho từng em.
6. Sau cùng, mỗi khả năng phải được tập luyện nhiều lần. Chúng ta đừng bỏ cuộc một cách dễ dàng, khi gặp một vài khó khăn.
7. Mục đích tối hậu của bài học này là trẻ em có khả năng phát biểu và sử dụng một số từ để diễn tả và ngoại hiện điều mong muốn. Chúng ta đừng lạm dụng phương thức lặp đi lặp lại như sáo cưởng, thay vào đó, phương pháp hiểu để làm, làm để hiểu là kim chỉ nam trong mọi cách làm việc của chúng ta.
1. Trò chơi đi tìm các đồ vật:
Giai đoạn một: Bày biện đó đây khắp phòng một số đồ chơi như chiếc xe ô tô, con búp bê, trái banh.
Bảo em B: đi tìm chiếc xe ô tô cho cô! Trẻ em tỏ ra do dự, phân vân, chúng ta đưa tay chỉ đồ vật cho trẻ em. Nếu trẻ em làm đúng, chúng ta khen ngợi tán dương: “Đúng rồi, em giỏi lắm. Em nhìn bên này, bên kia. Em tìm như vậy. Giỏi lắm. Đây là chiếc xe. Đúng. Hoan hô em B!”
Giai đoạn hai: Ở giai đoạn một, chúng ta chỉ bày soạn 2 hoặc 3 vật dụng. Ở đây, chúng ta thêm nhiều hơn, từ 5 trở lên, để trẻ em có thể học tập phân biệt, lựa chọn, so sánh
Giai đoạn ba: Chúng ta cất giấu các đồ vật trong các hộp kín, có hình ảnh tương đương bên ngoài. Hỏi: “Chiếc xe ô tô ở đâu?. nếu trẻ em đem về đúng, bảo “Em nói lại cho cô nghe: Đây là cái gì? Tên nó là gì?. Em tên là B. Cô tên là N. Cái này tên là gì?”
2. Trò chơi hộp thư:
Dùng một hộp cứng bằng giấy. Khoét một lỗ tròn cở rộng vừa nắm tay người lớn.
2.1 Bày soạn 10 vật dụng
2.2 Cầm từng vật dụng đưa lên hỏi trẻ em “đây là cái gì?”
2.3 Em nào trả lời đúng được phép cầm vật dụng bỏ vào thùng
2.4 Khi tất cả vật dụng đã được cho vào thùng thư, chúng ta yêu cầm mỗi em đưa tay rút ra một vật dụng và nói tên vật dụng ấy
2.5 Nếu trẻ em đã khá tiến bộ, bảo em lấy ra một vật cụ thể. Ví dụ: “Em tìm ra cho cô trái banh”
Chúng ta có thể dùng một thùng thư có 2 tầng. Giửa hai tầng có một tấm ngăn kéo ra, đẩy vào một cách dễ dàng.
Giai đoạn một: trẻ em cho vào thùng vật dụng đúng như lời cô giáo bảo: “cái ly”
Giai đoạn hai: trẻ em gọi tên vật dụng: “cái ly ra đây”
Giai đoạn ba: mỗi lần trẻ em gọi đúng tên chúng ta rút ngăn kéo và cái ly xuất hiện ở phía dưới. Trẻ em cầm và lấy ra cho cô.
3. Những tập hình có chủ đề:
Chúng ta sử dụng tập hình ảnh như trên đây chúng ta đã nói tới. Mỗi tranh chỉ có một hình.
Giai đoạn một: Chúng ta phát âm. Nếu trẻ em phát âm lại đúng âm thanh, chúng ta cho phép em ấy lật qua trang sau.
Giai đoạn hai: Chúng ta gọi tên một tấm hình và trẻ em tìm ra hình ấy.
Chúng ta có thể tự tay thực hiện những tập hình như thế. Mỗi tập gồm có 10-20 hình, theo các chủ đề: áo quần, đồ ăn, vật dụng trong nhà, đồ chơi ở lớp, dấu hiệu cần nhìn rõ khi đi đường, những học sinh trong lớp. Sau này, khi trẻ em đã tiến bộ, chúng ta sáng tạo những câu chuyện nhỏ có 3-5 hình. Chúng ta kể chuyện mỗi ngày. Và trẻ em làm theo ta.
4. Trò chơi kết hợp hình ảnh – đồ vật:
4.1 Dùng 3-4 dụng cụ, bày soạn trước mắt trẻ em. Trao cho trẻ em một tấm hình và bảo nó đi tìm vật dụng và đặt tấm hình lên trên (hay là bên cạnh) vật dụng.
4.2 Sử dụng hình ảnh đồng dạng; sử dụng hình ảnh tương tự; sử dụng hình ảnh sơ phác; trẻ phát âm và nói lên vật này dùng làm gì? (một cử điệu như ăn, uống, chơi..)
4.3 Kết hợp 2 loại hình ảnh thuộc về một vật dụng:
Hình ảnh đồng dạng với hình ảnh tương tự; hình ảnh đồng dạng với hình ảnh sơ phác.
5. Trò chơi đô-mi-nô:
Chúng ta sáng tạo những con cờ đô-mi-nô bằng hình ảnh, với 5 hoặc 6 hình, và dạy trẻ em chơi đô-mi-nô
6. Trò chơi gia đình đồ vật
Sau khi trẻ em đã gọi được tên và nhận biết nhiều vật dụng, chúng ta có thể tổ chức trò chơi gia đình.
6.1 Xếp với nhau nhiều vật dụng có cùng một tên gọi, nhưng có nhiều cở, màu, hình khác nhau. Giúp trẻ em học tập khả năng “tổng quát hoá”.
6.2 Xếp nhiều vật dụng khác nhau ở cùng chung một vị trí: những đồ đạc nấu ăn, những áo quần, những đồ chơi ở lớp học….
6.3 Xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn: Ba con gấu to-vừa-nhỏ có ba cái mũ to-vừa-nhỏ
Khi tiếp xúc với trẻ em:
- Dùng câu ngắn gọn.
- Thay đổi cách đặt câu: Đây là chiếc xe, đi tìm chiếc xe, chiếc xe ở đâu, cô để chiếc xe gần…
Các động tác (sử dụng động từ)
Bài học về các động tác thông thường hay là thể thức sử dụng các động từ thường dùng là một yếu tố rất quan trọng trong vấn đề ngôn ngữ. Trẻ em không thể nói, nếu chúng nó không có khả năng hiểu biết về động từ.
Danh từ là tên gọi của con người và sự vật
Động từ diễn tả công việc, hành động hay động tác. Mỗi vật chỉ có một tên gọi. Nhưng nhiều vật, nhiều người hay nhiều động vật có thể có cùng chung một động tác.
Cách dạy tốt nhất về động từ là dạy bằng hành động:
A. Hành động với chính bản thân:
Chính chúng ta thực hiện hành động và bảo trẻ em làm như chúng ta: đứng lên, ngồi xuống, đi lại, cầm, tìm, cho, ném ra xa…
B. Hành động với những con búp bê:
Như ăn, ngủ, tắm gội, khóc… Chúng ta kể một câu chuyện vắn tắt, trong đó hai hoặc ba động từ được sử dụng. Chúng ta vừa kể vừa thực thi những động từ với một con búp bê. Sau đó chúng ta yêu cầu từng em kể lại những điều mà nó đã ghi nhận. Sau đó chúng ta giúp trẻ em bổ túc những gì còn thiếu sót.
C. Thực hiện mệnh lệnh:
Giai đoạn một: Chúng ta đưa ra những mệnh lệnh vắn gọn, trẻ em thực hiện
Giai đoạn hai: Cho phép mỗi em ra lệnh, chính chúng ta thực hiện mệnh lệnh
D. Hình ảnh về hành động:
Giai đoạn một: Dùng hình ảnh về đồ vật. Em dùng cái này để làm gì? Nếu trẻ do dự, chúng ta làm một cử điệu. Nếu trẻ đã phát âm đúng với hành động, chúng ta bảo trẻ em làm một cử điệu.
Giai đoạn hai: Dùng hình ảnh trình bày một hành động. Ông, bà, con gấu… đang làm gì đây?. Chúng ta làm cử điệu và chờ trẻ trả lời.
Nói tóm lại, thể thức tổ chức lớp học là yêu cầu trẻ em:
- Vừa phát âm vừa làm một cử điệu.
- Vừa làm trên chính bản thân vừa làm với người hay vật khác.
- Vừa ra lệnh vừa thực thi mệnh lệnh.
- Vừa trực tiếp với sự vật vừa sử dụng hình ảnh.
Những từ về không gian, nơi chốn
Trong, ngoài
Ở trên, ở dưới / Phía trên, phía dưới
Trước, sau
Quanh
Ngang qua
Bên mặt, trái , phải
Ở giữa, hai bên cạnh
Đầu, cuối
Ba phương tiện dạy dỗ:
- Tổ chức trò chơi
- Dùng hình ảnh
- Bài hát ngắn, dễ
Đặt câu 2 từ
Khi trẻ em dùng một từ để diễn đạt, nhiều khi chúng ta gặp khó khăn trong vấn đề tìm hiểu ý nghĩa. Lắm lúc chúng ta phải phỏng đoán hơn là hiểu rõ ý nghĩa khách quan. Khi một câu có 2 từ, công việc tìm hiểu ý nghĩa trở nên dễ dàng hơn.
1. Chúng ta khởi đầu bài học này:
A. Khi trẻ khởi sự sử dụng những từ về vị trí, chỗ ở.
B. Danh từ đạt số lượng trên 40-50 từ.
Tuy nhiên, chúng ta đừng quá ôm đồm vội vả. Tránh tình trạng lẫn lộn trong đầu óc trẻ em, vì đây là giai đoạn rất khó khăn trong tiến trình sử dụng ngôn ngữ.
2. Trò chơi hộp thư:
Tổ chức lần này cũng giống các lần trước. Nhưng chúng ta thêm ở đây 2 từ: vào – ra
Khi bỏ vào: xe vào
Khi lấy ra: xe ra
“Vào – ra” chỉ là một ví dụ. Trong thực tế chúng ta quan sát và chọn lựa những từ nào đã được trẻ em sử dụng, để dạy kết ráp 2 từ với nhau. Ví dụ: trong – ngoài, vào trong – ra ngoài, đi - về.
3. Trò chơi xin – cho:
Bày soạn 5 vật dụng trẻ em đã biết gọi tên dễ dàng: gấu, banh, chó, mèo, hoa.
Cách dùng: (ngửa tay ra): xin gấu; (đưa cho): cho gấu
Ban đầu cô giáo chơi với 1 em. Sau đó 2 em học sinh chơi với nhau.
4. Trò chơi đây – kìa:
Đạt 6 đồ chơi thành 2 hàng: hàng 1 gần trẻ em. Hàng 2 xa tầm tay trẻ em. Chúng ta giả vờ lấy tay che mặt và hỏi trẻ em: Cái ly ở đâu? Yêu cầu trẻ trả lời: Ly đây, banh kìa.
5. Trò chơi 2 từ: một danh từ và một động từ:
Mẫu I: bé ăn, bé ngồi, bé đi, bé ngủ
Mẫu II: ăn cơm, ăn kẹo, ăn cam, ăn xoài
Mẫu III: trên bàn, trên ghế, trên giường
Tiến trình dạy dỗ:
Dùng nhiều con búp bê, mỗi con một tên riêng do trẻ em cùng nhau chọn lựa. Kể một câu chuyện ngắn gọn: 2 con búp bê đi - uống – ăn - ngủ. Sau khi chúng ta kể xong chuyện, kèm theo điệu bộ chứng minh, yêu cầu trẻ em kể lại. Lúc đầu, cô giáo kể chuyện, trẻ em làm điệu bộ với con búp bê. Giai đoạn hai, cô giáo làm, trẻ em kể. Giai đoạn ba, trẻ em vừa làm vừa kể.
6. Trẻ em đưa ra những mệnh lệnh:
Với trò chơi này, chúng ta thay đổi vai trò.
Giai đoạn một: Cô giáo làm đúng như trẻ em bảo làm.
Giai đoạn hai: Cô giáo thử làm sai, để trẻ em phê bình: “đúng hoặc sai”. Khi trẻ em bảo sai, yêu cầu trẻ em chứng minh cách đúng.
7. Cách sử dụng hình ảnh:
Tập hình danh từ: Với mỗi hình ảnh yêu cầu trẻ em đặt ra 1 câu và làm điệu bộ.
Ví dụ: Cái ghế - À bé ngồi trên ghế
Cơm - À cô ăn cơm
Tập hình động từ: Tìm hiểu và mô tả hình ảnh. Ví dụ: con mèo ăn cơm, mẹ ru em.
Kết ráp 2 hình: Trên bảng, có gắn sẳn 2 tấm hình. Ví dụ: hình I: “con chó”; hình II: “ăn”. Chúng ta chỉ hình I; trẻ em nói: “con chó”; chúng ta chỉ hình II; trẻ em nói: “ăn”. Làm chậm rãi lúc ban đầu, càng lúc càng nhanh.
8. Cách đặt câu hỏi:
Có những loại câu hỏi tự động khơi gợi những câu trả lời một từ: Cái gì đây? Màu gì? Mấy?
Khi trẻ em đã bắt đầu sử dụng mệnh đề nhiều từ, chúng ta cố gắng ý thức đặt câu hỏi để trẻ sáng tạo những câu nói có nhiều từ, ví dụ: Hiện giờ theo em, mẹ ở nhà đang làm gì? Mỗi lần trẻ trả lời:
- Lưu tâm vào câu trả lời.
- Đừng vội sửa sai những lỗi văn phạm.
- Phản ánh câu trả lời của trẻ em bằng những câu nói ngắn gọn, đơn sơ, dễ hiểu, đúng văn phạm.
- Phản ánh không phải là sửa sai.
Ví dụ: trẻ nói; mẹ chợ
Chúng ta phản ánh: “Đúng, cô đồng ý với em, bây giờ mẹ em đi chợ. Mẹ đi chợ mua đồ ăn. Sáng nay, mẹ đi chợ.”
Câu nói nhiều từ
Mục tiêu:
- Diễn tả hơn là đặt câu đúng ngữ pháp.
- Kết ráp 2 mẫu I với II; I với III (xem bài 10 số 4)
Mèo
|
|
Cơm
|
Chó
|
ăn
|
Thịt
|
Bò
|
|
Cỏ
|
1. Trò chơi kết ráp:
Trao cho trẻ em 3 hình, bảo trẻ em lên bảng xếp theo thứ tự và phát âm (lúc đầu là 3 hình ăn khớp với nhau, trẻ em không thể lầm)
2. Trò chơi ra lệnh (xem trên đây):
3. Trò chơi vừa chỉ hình vừa nói:
4. Kể chuyện:
5. Trẻ em vẽ ba hình và chúng ta giúp trẻ em kể một câu chuyện có 3 hình ấy. Vì đây là hình vẽ của trẻ em, nên chúng nó dễ hiểu. Lúc đầu chúng ta hướng dẫn nội dung, sau đó khuyến khích vẽ tự do.
Phần III .- Diễn đạt và trao đổi
1. Dự phóng và tiên liệu.
2. Ước vọng.
3. Trao đổi.
Trong phần này, chúng ta tạo điều kiện để trẻ em trao đổi về những công việc hằng ngày.
Chúng ta sắp làm gì?
Để tập trẻ em nói, chúng ta cần nói chuyện với chúng. Chúng ta nói với chúng về những gì sắp xảy ra trong ngày.
“Bây giờ mẹ đi rửa bát, trước hết mẹ múc nước, mẹ rửa cái ly uống nước; cái ly này của ba, cái ly này của con…” Giữa lúc ấy, trẻ em góp ý, chúng ta lắng nghe, bổ túc.
1. Những công việc nội trợ:
Nói cho trẻ em biết chúng ta đang làm gì. Khi chúng ta cần cái gì, yêu cầu trẻ em đi tìm bằng cách xác định rõ rệt vị trí, đặc tính của các vật ấy.
2. Đi phố mua sắm:
Trước khi đi: “Chúng ta sẽ đi mua gì?”
Trong lúc đi: “Giúp trẻ em thấy những điều quen thân: đây là nhà bà Hai, bà thường đến giúp mẹ. Đây là quán bánh mỳ.”
Sau khi về nhà: Hỏi lại trẻ em đã mua, đã thấy, đã gặp cái gì,…
3. Chuẩn bị những biến cố quan trọng:
Những ngày giỗ, những cuộc viếng thăm. Ngày mai, hai mẹ con đi thăm bà ngoại. Tuần tới, cậu ba nghỉ hè, về đây ở một tuần, thăm gia đình mình. Cậu ba là em của mẹ. Cậu ấy học giỏi và ngoan lắm. Về nhà cậu thường giúp bà đi mua đồ, quét dọn nhà cửa.
4. Kể chuyện
5. Tập hát
6. Vẽ lại những điều đã làm, đã thấy
Sau khi trẻ em đã vẽ xong, bảo nó giải thích bức tranh của mình. Khi trẻ em chưa biết, chúng ta giúp trẻ em tạo ra ý nghĩa: “Cô thấy cái nhà ở đây; có phải nhà em không?” “Đằng trước…. sau…” “À! Có con chó ở đây! Nó tên gì?...”
Trình bày và diễn tả ước muốn
Nếu người lớn dự đoán để thoả mãn mọi điều, trẻ em không còn gì để diễn đạt. Vì vậy, chúng ta phải nói rõ cho trẻ em bíêt: “Mẹ không biết con muốn cái gì? Nói cho mẹ hiểu”
1. Đặt nhiều câu hỏi:
Mẹ sắp đi nấu cơm. Hôm nay con thích ăn gì? Chiều qua mình đã ăn gì, con nhớ không? trước khi mua sắm, cũng lợi dụng để trao đổi.
2. Đặt câu hỏi bao gồm nhiều lựa chọn:
Thay vì câu: “có, không?”. Ví dụ: “Trong 3 cái này con lựa cái gì? Kem, kẹo hay chuối?
3. Trên tấm hình nầy, em thấy có những gì? Bên phải? Bên trái? Sau cây cau, có cái gì? Trước nhà…
4. Cho phép trẻ em lựa chọn:
- Trò chơi, nơi chơi, bạn chơi
- Áo quần
- Thức ăn, thức uống…
5. Chọn lựa những hình ảnh:
Đây là hình của ba con
Ba ở đâu đây?: Tấm hình 1? Tấm hình 2? Tấm hình 3?
Ba làm gì?: 1 - 2 – 3
Ba đi đâu?
Ba mặc áo gì?
6. Trò chơi xếp đặt theo thứ tự 3 hình:
6.1 Ba về nhà
6.2 Ba đọc sách
6.3 Ba ăn cơm
Học tập trao đổi
1. Định luật trao đổi: chờ phiên mình để chơi đô-mi-nô.
2. Trò chơi chuyền banh giữa hai em A và B. Hay là giữa cô giáo và em C.
3. Trò chơi mua bán: tổ chức tiệm hàng, một em bán, một em mua.
4. Trò chơi: “Tôi cần cái gì” Bây giờ cô đi quét nhà, cô cần cái gì? Bây giờ cô đi ngủ, cô cần cái gì?
5. Trò chơi điện thoại giữa cô và em học sinh, hay là giữa hai em học sinh.
Phần IV.- Ngôn ngữ và tư tưởng
Chúng ta đã khảo sát ngôn ngữ như một phương tiện diễn đạt, trao đổi. Ở đây, trong phần này, ngôn ngữ được dùng như một phương tiện suy tư. Nhờ ngôn ngữ, chúng ta ghi nhớ quá khứ. Nhờ ngôn ngữ, chúng ta hiểu biết về vũ trụ. Nhờ ngôn ngữ, chúng ta biết suy tư.
1. Ngôn ngữ và ký ức
2. Ngôn ngữ để xếp đặt, tổ chức phân loại
3. Ngôn ngữ và suy tư
Ngôn ngữ và ký ức
Ta cần có trí nhớ để tìm đường về nhà, hay là để sống lại những biến cố đã qua. Ngôn ngữ là phương tiện để gọi trở về quá khứ:
- Kể lại những gì đã xảy ra trong kỳ hè vừa qua
- Hay là mô tả hình dạng, bộ điệu của một người đã gặp cách đây một năm.
Thêm vào đó, để nhớ lại một biến cố, chúng ta phải có nhận thức và hiểu biết về biến cố ấy.
1. Công việc hằng ngày:
Trước khi cùng đi ra khỏi nhà với trẻ em, chúng ta hãy nói cho trẻ em hiểu đi ra để làm gì: mua tem, gửi thư, thăm bạn bè…
Ban đầu, chúng ta làm công việc ấy trước khi ra đi. Nhưng dần dần vế sau, chúng ta có thể chuẩn bị từ hôm trước. Làm như vậy, trẻ em sẽ hiểu biết về thời gian và biết trước những gì sắp được làm. Nhờ vậy chúng có thể tham gia tích cực. Sau khi trở về nhà, chúng ta nhắc lại những gì đã xảy ra.
2. Những biến cố quan trọng:
- Chuẩn bị, giải thích bằng hình ảnh
- Sống lại những biến cố với những tấm hình lưu niệm, hay là diễn lại một cách cụ thể
- Cùng với trẻ em nhìn những tấm hình và kể lại: ở đây chúng ta đã làm gì, ở trên hình kia là ai
- Xếp theo thứ tự thời gian những tấm hình: cái gì trước, cái gì sau.
3. Trò chơi thùng thư:
Giao cho trẻ em 3 tấm hình. Bảo chúng nói cho chúng ta biết mỗi tấm hình là cái gì? Sau khi trẻ em đã bỏ vào thùng thư cả ba tấm hình, chúng ta hỏi lại chúng nó bỏ vào thùng hình gì. Kiểm điểm lại cái gì chúng nó đã quên, bằng cách đặt câu hỏi về tấm hình: cái gì có màu xanh lá? Cái gì dùng để ăn?
4. Trò chơi nhớ lại nội dung những tấm hình:
Giao cho trẻ em 3 tấm hình; bảo nó gọi tên hoặc mô tả từng tấm và lật sấp lại sau khi gọi đúng tên. Khi cả ba tấm đều được lật sấp lại, chúng ta hỏi trẻ em: “Tìm cho cô tấm hình (có cái ly chẳng hạn), nó ở đâu?”
5. Trò chơi Kim:
Bày soạn một số hình ảnh. Cùng gọi tên từng tấm với trẻ em. Sau đó lấy tấm khăn che lại và rút đi 2 hoặc 3 tấm. Cất tấm khăn che và hỏi trẻ: “Cô đã rút tấm hình nào?”
6. Trò chơi sắp xếp:
Trò chơi này cũng tương tự trò chơi trước. Khi trẻ em ở giai đoạn quan sát, chúng ta bảo chúng nó: “Hãy nhìn kỹ (những con vật, những loài hoa, những con người…). Sau đó chúng ta lấy khăn che lại và bảo trẻ em: có những con vật nào? loại hoa nào trong những tấm hình?
7. Trò chơi đi mua sắm:
Bày soạn đó đây nhiều tấm hình khác nhau. Bảo trẻ em: “đi tìm cho cô 2 vật dụng: cái ly và cái kéo”.
8. Trò chơi thi hành nhiệm vụ:
Giao cho trẻ em 1 hộp có 3 đồ vật, ví dụ: cái ly, cây bút, con gấu. Bảo trẻ em: “Đem con gấu bỏ vào tủ, còn cái ly đặt lên bàn”.
Xếp đặt, tổ chức, phân loại
Chúng ta dùng ngôn ngữ để tập hợp các sự vật thành nhiều thể loại. Mỗi lần phát biểu, diễn đạt, trao đổi chúng ta luôn luôn làm công việc tập hợp và phân loại. Làm như vậy, chúng ta cố nhắm ba mục tiêu:
- Diễn đạt và trao đổi những hiểu biết và nhận thức của ta về sự vật.
- Tổ chức những biến cố đã xảy ra trong quá khứ.
- Xếp đặt tư tưởng thành hệ thống, phân loại những nhận thức của ta về sự vật chung quanh.
Phân loại là khả năng khám phá và ghi nhận những tương quan ràng buộc hai sự vật lại với nhau. Hai sự vật có thể khác nhau trong nhiều phương diện: hình thức, màu sắc, trọng lượng… Nhưng dưới một khía cạnh nào đó, chúng nó có thể giống nhau. Ví dụ cơm và khoai đều là đồ ăn. Vì vậy, mỗi lần xếp loại, chúng ta luôn đề xuất một tiêu chuẩn nghĩa là một tính chất chung thuộc cho cả hai sự vật. Chúng ta có thể chọn lựa nhiều loại tiêu chuẩn khác nhau.
1. Trò chơi xếp loại:
Xếp các nút áo lại với nhau:
- cùng cở
- cùng màu
- cùng hình thức
2. Trò chơi đi tìm:
Một số đồ vật có màu đỏ ở ngay trong phòng học, một số đồ vật có hình tròn.
3. Trò chơi thùng thư:
Bỏ vào trong thùng thư những vật có chung một tiêu chuẩn.
- Chọn lựa một tiêu chuẩn: màu đỏ.
- Lúc đầu trong số đồ chơi của trẻ chỉ có hai màu.
- Sau đó gia tăng số lượng và có nhiều màu khác nhau.
- Sử dụng câu: danh từ + đỏ. Ví dụ: xe đỏ, hoa đỏ, tập sách đỏ.
- Khi trẻ em đã hiểu một tiêu chuẩn, chúng ta đưa hai tiêu chuẩn: vừa đỏ vừa tròn.
4. Đi tìm kho báu:
Cái gì vừa tròn , vừa đỏ, vừa bằng vải.
5. Tìm vật không thuộc thể loại:
Bày soạn một số đồ vật. Tất cả đều thuộc một thể loại, trừ một đồ vật, đồ vật ấy là gì?
6. Chơi đô-mi-nô theo thể loại:
Đồ chơi - loài vật; loài vật – hoa; hoa – áo quần
Suy nghĩ lớn tiếng
1. Thi hành mệnh lệnh:
Trực tiếp: ngồi, đứng, quì, nằm
Gián tiếp: Đánh trống: chạy. Ngưng đánh: dừng lại
2. Mệnh lệnh “đừng”:
Cho các em bỏ đậu vào chai. Các em dừng lại khi ta bảo “đừng làm”.
3. Phân loại theo hai tiêu chuẩn “có và không”
Bên này : vật màu đỏ
Bên kia: vật không đỏ
4. Luật đi đường:
Cho trẻ em chơi với những chiếc xe.
Đỏ: dừng lại
Xanh: xe chạy
5. Thứ tự thi hành công việc:
Sử dụng 3 hình vẽ biểu lộ 3 điều phải làm: trẻ em nhìn và làm theo.
6. Tập đi đường:
Từ phố về nhà, em đi thế nào?
Góp ý cho chúng tôi