MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHƠI PHỤ HUYNH CÓ THỂ LÀM CÙNG CON Ở NHÀ
Tài liệu phát tay cho phụ huynh có con bị rối loạn phát triển
Nhóm tác giả:
Trần Văn Công
Vũ Thị Thu Hiền
Vũ Văn Thuấn
Chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ em trước khi đến trường. Chơi giúp trẻ khám phá thế giới, đồng thời học hỏi về thế giới. Đây là một trong những cách học tốt nhất cho trẻ nhỏ và nhiều trẻ em vì những lý do khác nhau mà bị trễ hơn trong các lĩnh vực phát triển. Hoạt động chơi có thể đơn giản như chơi đồ chơi một mình, đến những hoạt động phức tạp hơn như chơi hợp tác với bạn, chia sẻ và thỏa hiệp với người khác, chơi giả vờ, chơi tưởng tượng. Dưới đây là một số gợi ý về trò chơi, hoạt động chơi và cách thức tổ chức trò chơi mà phụ huynh có thể tham khảo để áp dụng với con của mình ở nhà.
1. Chơi khám phá
Mục đích: Giúp trẻ thử nghiệm, tìm ra cái mới, khám phá đồ vật, sự kiện mới. Từ đó phát huy sự chủ động trong hoạt động và giao tiếp của trẻ.
Ví dụ và cách thức:
Hoạt động 1: Đặt đồ chơi mới vào giữa đống đồ chơi cũ, nhìn trẻ và nói với trẻ với giọng điệu ngạc nhiên và hào hứng “Con nhìn này” kết hợp chỉ tay và hướng mắt nhìn vào đồ chơi mới. Chờ phản ứng của trẻ và trao cho trẻ đồ chơi mới như là phần thưởng.
Hoạt động 2: Giấu đồ chơi để trẻ tìm. Cách thực hiện: Có thể bỏ đồ chơi vào một cái túi kín với nhiều đồ vật khác nhau, sau đó yêu cầu trẻ tìm đồ vật được gọi tên. Khi trẻ lấy được chính xác đồ chơi - đó sẽ là phần thưởng cho trẻ. Tạo sự hứng khởi và vui mừng khi cùng với khi trẻ lấy được đồ vật.
Hoạt động 3: Tìm hiểu xem các đồ vật trong nhà phát ra tiếng động như thế nào. Cách thực hiện: Đưa ra những đồ vật trong nhà với những chất liệ khác nhau như: gỗ, sứ, nhựa, sắt , thủy tinh…. sau đó đưa có trẻ một cái thước/thìa… cầm gõ vào từng đồ vật để tạo ra tiếng kêu.
2. Chơi vận động thô
Mục đích: Trẻ học cách khám phá và điều khiển các nhóm cơ lớn trên cơ thể.
Lưu ý: Nếu trẻ cứ chạy ra chạy vào hoặc lang thang không mục đích, bạn hãy bắt chước hành vi đó của trẻ và sau đó gợi ý để trẻ bắt chước mình. Người chơi sẽ làm mẫu những động tác của cơ thể như nhảy cao, nhảy lò cò, nhảy nhót, chạy, kéo, quay tròn, đi kiểu duyệt binh và rồi ngã nhào.
Ví dụ và cách thức:
Hoạt động 1: Hoạt động chạy, nhảy, đuổi bắt, leo treo... Cách thực hiện: Đưa trẻ đến khu vui chơi, công viên và trẻ có thể chơi, tham gia cùng các trẻ khác.
Hoạt động 2: Thực hiện các động tác theo bài hát. Cách thực hiện: Người lớn hướng dẫn trẻ thực hiện các thao tác theo như lời của bài hát. Ví dụ: đưa tay sang ngang, giơ tay lên cao nào, nắm lấy cái tai nào…..
Hoạt động 3: Hoạt động với một số đồ vật như bóng, vòng. Cách thức thực hiện: Người lớn hướng dẫn và lôi kéo trẻ vào những trò chơi nhưng tung bóng, ném bóng, đá bóng…..
3. Chơi vận động tinh
Mục đích: Trẻ học cách điều khiển các đồ vật, phối hợp sử dụng ngón tay - mắt.
Ví dụ và cách thức:
Hoạt động 1: Hoạt động với các khối gỗ, hình khối. Cách thực hiện: Đưa cho trẻ những khối gỗ, hình khối, chỉ cho trẻ cách thức xếp chồng lên không bị đổ (xếp tháp) hoặc xếp thành hàng dài thẳng hàng với nhau như xếp đoàn tàu (kết hợp âm thanh để tạo sự hứng thú như xình xịch xình xịch…)
Hoạt đông 2: Các hoạt động bật, tắt hoặc mở, đóng. Cách thực hiện: Những hoạt động này liên quan nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, người lớn có thể lưu ý hường dẫn trẻ gắn liền với hoạt động của cuộc sống. Ví dụ: bật, tắt điện, quạt, ti vi; đóng, mở cửa, tủ, chai lọ.
Hoạt động 3: Hoạt động với bút, sáp, bảng vẻ. Cách thực hiện: Người lớn hướng dẫn cho trẻ cầm bút đúng cách, sau đó để trẻ có thể cầm bút tự do tô vẽ theo ý thích. Dần dần hướng trẻ tô theo hình, theo nét, bắt chước vẽ theo...
4. Chơi xã hội
Mục đích: Trẻ học được cách chơi với người khác, quan sát và bắt chước người khác để chơi
Ví dụ và cách thức:
Hoạt động 1: Chào hỏi, tạm biệt. Cách thực hiện: Người lớn lặp đi lặp lại những hành động như vẫy tay, bắt tay để trẻ nhìn và bắt chước theo. Sau đó có thể làm trực tiếp với trẻ.
Hoạt động 2: Bắt chước ú òa. Cách thực hiện: Có thể dùng tay hoặc dùng một cái khăn và chơi ú òa với trẻ, trẻ có thể hưởng ứng theo, khi đó thì có thể dùng tay của trẻ hoặc đưa khăn cho trẻ để trẻ thực hiện trò chơi.
5. Chơi giả vờ
Mục đích: Giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của các tình huống xã hội.
Ví dụ và cách thức:
Hoạt động 1: Hoạt động mua và bán. Cách thực hiện: Hướng dẫn trẻ với những đồ chơi có sẵn tạo ra một hoạt động như đi chơi, đi siêu thị để mua đồ. Lúc này trẻ có thể đóng vài là người bán hoặc người mua, người lớn đóng vai ngược lại với trẻ. Người lớn hướng dẫn trẻ thực hiện các thao tác (lấy đồ, chọn đồ, hỏi giá, trả tiền, nhận tiền…) và lời nói phù hợp với vai của trẻ.
Hoạt động 2: Hoạt động với búp bê, gấu bông. Cách thực hiện: Trẻ có thể thực hiện lại những hành động mà người lớn làm với trẻ như cho ăn, uống nước, ru ngủ… dưới sự hướng dẫn và trợ giúp của người lớn. Đôi khi người lớn còn đóng vai làm trẻ nhỏ để trẻ thực hành những hành động như trên.
6. Chơi giải quyết vấn đề
Mục đích: Trẻ tò mò, tự tìm ra được cách giải quyết vấn đề trong tình huống.
Ví dụ và cách thức:
Hoạt động 1: Lấy được đồ vật có chướng ngại vật. Cách thực hiện: tạo tình huống không may đồ vật rơi vào gầm ghế, bàn, giường hoặc ở trên cao so với tầm với của trẻ. Trẻ phải tự xoay xở để lấy được. (Lưu ý là thực hiện với những vật trẻ đang rất thích).
Hoạt động 2: Cho trẻ vật khác với vật trẻ mong muốn. Cách thực hiện: Người lớn đưa ra vật thay thế khác với vật trẻ đang muốn có được và chờ đợi hành động của trẻ. Hướng dẫn trẻ yêu cầu vật mà trẻ mong muốn (bằng cách chỉ tay, nói, nhìn mắt…)
Hoạt động 3: Thay thế một miếng ghép khác trong một hình ghép. Cách thực hiện: Người lớn có thể cùng trẻ ghép hình (hình có nhiều miếng ghép), quan sát cách trẻ xử trí với miếng ghép thay thế không phải của mình ghép đó. Hướng dẫn cho trẻ cách tìm miếng ghép đúng.
7. Chơi vận động miệng
Mục đích: Khuyến khích trẻ nhận thức về lưỡi, môi, hít thờ; hỗ trợ thêm cho phần phát âm
Ví dụ và cách thức:
- Liếm môi, thè lưỡi (có thể dùng dùng kẹo, mậy ong, bánh để tập cho trẻ)
- Thổi bóng, thổi nên, thổi giấy: dụng cụ kèo theo là bóng bay, bóng thổi, nến, giấy vụ
- Hôn gió, hôn gương
8. Chơi tiếp xúc thể chất
Mục tiêu: để trẻ vận động cơ thể của trẻ, tiếp xúc với cơ thể mẹ, nhìn vào khuôn mặt mẹ, cười thích thú, tạo ra âm thanh và đòi chơi nữa.
Ví dụ và cách thức:
- Tung trẻ lên rồi đón trẻ
- Cho trẻ cưỡi lưng, cưỡi chân
- Nhảy, trèo, lăn trên đệm mềm
- Nhẹ nhàng đẩy trẻ trên đệm mềm, đệm lò xo
- Cù
- Ôm lưng trẻ xoay vòng
- Trốn tìm, ú oà
- Chơi quái vật dọa bắt
- Kéo trẻ trên tấm chăn, nói "kéo... kéo... ùm" (trẻ lăn kềnh ra đệm mềm)
- Lăn trẻ trên quả bóng lớn (Kèm câu nhịp điệu ngắn, thông báo trước có dừng lại để chờ phản ứng của trẻ, "bình luận bóng đá", hát, nhạc).
Trong quá trình chơi với trẻ, bố mẹ nên luôn luôn sử dụng khen thưởng, khuyến khích động viên trẻ về cả vật chất lẫn tinh thần. Đôi khi dùng những từ cường điệu hóa để khen trẻ để tăng sự hào hứng với trẻ, tăng sự tương tác với trẻ sử dụng cả cử chỉ điệu bộ cơ thể và lời nói như: u ôi; oái; tuyệt quá; quá siêu…. đôi khi chạy nhảy hay vung tay lên, biểu lộ chiến thắng hoặc biểu lộ buồn chán.
Góp ý cho chúng tôi